Khi đi du lịch, ba mẹ có thể cho con tự chọn mua quà lưu niệm. Trong một chuyến du lịch gần đây cùng gia đình, bé con 6 tuổi nhà tôi ngay lập tức chọn một con mèo nhồi bông, tuy nhiên cô chị gái 10 tuổi thì lại bảo với em rằng chúng tôi mới vào cửa hàng đầu tiên mà thôi. Con bé đồng ý đi xem tiếp các hàng khác một cách miễn cưỡng.
Trong vòng một tiếng tiếp theo, con bé liên tục hỏi chúng tôi về con mèo bông đó. Chúng tôi nói rằng tùy con thôi, nhưng con bé vẫn ngần ngừ không chịu quyết định.
Con mèo bằng bông trị giá 90 nghìn đó khiến tôi đặt ra mục tiêu giúp con gái tự tin với ý kiến của bản thân mình.
Tôi hỏi ý kiến của Katie Hurley, một chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ và trẻ vị thành nhiên rằng xu hướng phụ thuộc vào ý kiến của người khác có phải là một điều tiêu cực hay không. Đó có phải là triệu chứng của chứng lo âu hay không? Hay đó là bằng chứng con bé sẽ ưu tiên quan điểm của người khác lên trên quan điểm của bản thân mình.
Ảnh minh họa
Chị Hurley chia sẻ: “Các bậc cha mẹ thường lo lắng liệu con có mắc chứng lo âu, hay chính cha mẹ đang khiến con trở nên như vậy khi luôn quyết định thay con? Tuy nhiên việc hỏi ý kiến của người khác chỉ là một đặc điểm tính cách mà thôi”.
Trẻ nhỏ mà hướng nội thì thường hay suy nghĩ quá nhiều. Với các bé, học cách đưa ra quyết định nhanh chóng là một quá trình phát triển. Và cô nói thêm: “Một số người thậm chí chẳng bao giờ học được điều đó cả, nhưng khi bạn có con nhỏ thì bạn hoàn toàn có thể hướng dẫn con”.
Dưới đây là những cách mà cha mẹ có thể giúp con cái thêm tự tin và độc lập khi ra quyết định.
1. Đồng cảm với con, nhưng không giải quyết vấn đề thay con
Hãy ghi nhận với con rằng bạn cũng từng trải qua những việc như con bây giờ, nhưng cố gắng lắng nghe trọn vẹn và đừng ngắt lời con.
“Ba mẹ luôn chỉ đạo con cái và tước đi cơ hội tự đưa ra quyết định phù hợp với độ tuổi của mình của con”. Emily Green, chuyên gia tâm lý trẻ em và gia đình tại Atlanta (Mỹ) chia sẻ. “Chúng ta khuyên con làm thế này. Chúng ta thuyết phục con không làm thế kia. Trẻ không được tự mình thực hiện kĩ năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định”.
Mặt khác, chị Green cho hay “Nếu chúng ta có thể giữ yên lặng và dừng lại để con tự suy nghĩ thì con sẽ trưởng thành lên”.
Cho con tự đưa ra những quyết định dù nhỏ chính là tạo cơ hội cho con luyện kĩ năng ra quyết định
2. Giúp con lắng nghe bản thân mình
Chuyên gia Green gợi ý rằng sử dụng những từ ngữ như “dường như” “có vẻ” sẽ giúp trẻ nhận ra cảm xúc của bản thân. “Hình như con không chắc mình muốn con mèo bông đấy. Hình như con đang bế tắc”. Phát triển nhận thức của trẻ về cảm xúc của mình giúp trẻ bình tĩnh lại và lựa chọn dễ dàng hơn.
Như trong trường hợp của con gái tôi, chị Hurley nói: “Nếu bạn quay lại và nghĩ lại toàn bộ việc đã xảy ra, con gái bạn thực sự biết bé muốn gì từ phút đầu tiên, nhưng bạn và con gái lớn nói ‘Hình như còn đồ đẹp hơn’ và thế là con bé dành thời gian nghĩ về điều đó”.
Nên bắt đầu bằng việc giúp bé nhận ra mình muốn gì. Có thể nói “Dường như con mèo thực sự thích con đó. Nói với mẹ tại sao con thích con mèo được không?”.
Cho con thời gian để nói ra mong muốn của mình chính là một phần của quá trình “dạy con hiểu về bản thân”.
3. Đặt ra giới hạn thời gian
Sau khi giúp con nói ra được khó khăn, vướng mắc của mình cũng như điều con muốn, hãy cho con biết rằng đây là quyết định của con. Nói với con: “Hình như con muốn mẹ quyết định thay cho con, nhưng đây là quyết định con có thể tự làm được”, chị Green cho hay.
Hãy cho con một khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút để quyết định. Bạn cũng có thể tư vấn các biện pháp mà bạn thấy có ích, ví dụ như liệt kê một danh sách các lợi ích và bất cập và tự hỏi bạn sẽ làm gì nếu người bạn của bạn cũng phải đưa ra lựa chọn như vậy. Nhưng hãy để con tự quyết định.
4. Luyện tập đưa ra quyết định
Khi cho con đi siêu thị, hãy để con tự chọn nguyên liệu để nấu ăn cho cả nhà
Khi đi chợ hoặc siêu thị mua đồ ăn, hãy để con quyết định xem tối con muốn ăn súp lơ hay ớt xanh hay cải bắp.
“Tập quyết định những việc nhỏ sẽ giúp trẻ học cách cân nhắc lợi ích và bất cập một cách nhanh chóng và có thói quen đưa ra quyết định”. Hurley nói.
Khi trẻ lớn lên, hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm càng nhiều càng tốt. “Tôi nghe ba mẹ của trẻ thuộc nhiều độ tuổi nói: ‘Tôi chỉ muốn con đi ra ngoài tham gia câu lạc bộ robot vì tôi biết con thích chơi với robot lắm’. Vậy nên khi chúng ta đưa ra gợi ý hoặc ta cố thuyết phục con rằng điều nào mới là tốt nhất cho con, hoặc thay đổi ý kiến của con sang thứ mà con có khả năng, chúng ta đang tước đi cơ hội lựa chọn thứ mà con thực sự yêu thích”, chuyên gia Green cho hay.
5. Khuyến khích con nhìn nhận lại sau khi quyết định
Hãy giúp con nhìn nhận lại bản thân sau khi tự quyết định xem liệu có phù hợp hay không
“Trẻ nhỏ thường được người lớn bảo cần phải làm gì thường xuyên đến mức khi trẻ tự đưa ra quyết định đúng đắn thì cũng không được công nhận. Trong trường hợp con gái của tôi, chứng kiến quyết định mua mèo bông khiến con bé vô cùng vui sướng thì tôi có thể nói: ‘Con đã lắng nghe điều bản thân thực sự mong muốn, con đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân mình'”, cô Wood cho biết.
Bạn cũng có thể giúp con kết nối cảm xúc sâu thẳm của mình nếu con không nghe theo tiếng nói bên trong – đặc biệt là khi trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi bạn cùng lứa. Ví dụ “Hình như lúc chơi với Claire con chỉ làm những điều mà bạn thích chứ không phải những điều mà con thích”.
Điều này có thể giúp trẻ nhận ra khi nào hành vi của trẻ không tương ứng với mục tiêu hoặc quan điểm của trẻ.
6. Thảo luận với trẻ cách đối mặt với cảm giác tiếc nuối
Tất nhiên, đưa ra quyết định sai lầm là điều đôi khi không thể tránh khỏi. Hãy cho con biết bạn cũng có lúc thấy tiếc nuối và giúp con vượt qua cảm xúc ấy, ví dụ như viết những cảm xúc đó ra giấy, cuộn lại rồi vứt vào sọt rác vì với trẻ nhỏ, hành động có ý nghĩa biểu tượng hàm chứa nhiều cảm xúc.
Nguồn: SCMP